Xem thêm

Tầm nhìn mới cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thạch Thảo Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa chính thức được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà...

Tầm nhìn mới cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc Một góc khu công nghệ cao hòa lạc . Ảnh: Thạch Thảo

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa chính thức được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý. Được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị khoa học - công nghệ, giáo dục hiện đại và có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước.

Cơ hội cụ thể hóa nhiều mục tiêu

Tại lễ tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh rằng, việc chuyển giao quyền quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa các mục tiêu đã được đề ra. Điều này được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung: "Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc".

Theo Tiến sĩ Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam), xây dựng hệ sinh thái cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã chứng tỏ hiệu quả. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã đề ra định hướng phát triển khu vực thành phố phía Tây - thành phố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là trung tâm đầu não với các hoạt động nghiên cứu, giáo dục chất lượng cao và chuyển giao công nghệ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết: Khu công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng phát triển theo mô hình mở, là hạt nhân đầu mối của thành phố Hà Nội trong việc đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo Hòa Lạc.

Gỡ các nút thắt để phát triển

Theo Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần giải quyết những khó khăn cơ bản như cung cấp nước sạch, giao thông công cộng, hạ tầng đường nội bộ, hệ thống internet trung tâm và trung tâm dữ liệu. Để thu hút các dự án công nghệ cao đến Thủ đô Hà Nội, cần tổ chức lại và phân quyền Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cùng với các chính sách đầu tư hấp dẫn.

Chuyên gia này cũng đề xuất cơ chế và chính sách đặc thù vượt trội cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bao gồm ưu tiên hàng đầu đối với thu hút nhà đầu tư chiến lược và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc - UN Habitat), Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần có quy hoạch cho những khu vực với mục đích sử dụng hỗn hợp, dự án nhà ở, văn phòng kinh doanh và dịch vụ thích ứng kịp với thay đổi trong tương lai. Sự phát triển bền vững của khu vực này cần có vai trò của thành phố xanh và công nghệ xanh.

UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2024. Đồng thời, thành phố sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng các định hướng đã đề ra.

1